top of page

Road to IPO: Tham vọng của VINFAST ở thị trường Quốc tế

Đã cập nhật: 8 thg 3

1. GIỚI THIỆU

Vinfast được thành lập vào tháng 09/2017. Với tầm nhìn trở thành thương hiệu xe điện thông minh góp phần vào sự phát triển của thị trường xe điện toàn cầu. Tháng 12/2022, Vinfast chính thức nộp hồ sơ IPO lên Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC) và dự kiến niêm yết cổ phiếu trên sàn Nasdaq Global Select Market với mã cổ phiếu “VFS”.





2. ĐÁNH GIÁ


Báo cáo tài chính

Về doanh thu, doanh thu 3 quý đầu năm 2022 của Vinfast bị giảm 6.06% (677.4 tỷ VNĐ) so với cùng kỳ năm 2021 do Vinfast đã ngừng sản xuất dòng xe xăng để tập trung sản xuất dòng xe điện, dẫn đến doanh số xe bán ra bị giảm từ 25,500 xe xuống 16,800 xe.


Về chi phí, ngoài khoản chi phí lớn nhất là giá vốn hàng bán, Vinfast đầu tư vào chi phí bán hàng để quảng cáo, tiếp thị, showrooms bán hàng với mục tiêu mở rộng thị trường kinh doanh ra các quốc gia khác. Đặc biệt, với tiêu chí lấy công nghệ làm cốt lõi, Vinfast tập trung mạnh vào R&D để nâng cấp công nghệ và tạo ra sự đổi mới cho dòng xe điện nên chi phí R&D có xu hướng tăng mạnh. Cụ thể, chi phí R&D 9 tháng đầu năm 2022 tăng 166.62% (tăng từ 5,266.5 tỷ VNĐ lên 14,041.6 tỷ VNĐ) so với cùng kỳ năm 2021.


Việc đầu tư lớn vào các chi phí sản xuất, kinh doanh dẫn đến lợi nhuận sau thuế của Vinfast bị lỗ. Cụ thể, Vinfast đã lỗ 18,950.2 tỷ VNĐ năm 2020, lỗ 32,219 tỷ VNĐ năm 2021 và lỗ 34,535.4 tỷ VNĐ trong 9 tháng đầu năm 2022. Dự kiến trong thời gian tới, Vinfast có thể tiếp tục lỗ do đầu tư nhiều vào các chi phí bán hàng, chi phí R&D và các khoản chi phí khác để mở rộng quy mô, hiệu quả sản xuất - kinh doanh và vị thế trên thị trường.


Sàn niêm yết


Vinfast lựa chọn niêm yết trên sàn Nasdaq Global Select Market. Nasdaq được biết đến là sàn giao dịch của nhiều công ty công nghệ hàng đầu và là sàn giao dịch chứng khoán lớn thứ hai thế giới, chỉ sau NYSE. Việc lựa chọn niêm yết trên sàn Nasdaq Global Select Market giúp Vinfast thu hút được nguồn vốn dồi dào từ các nhà đầu tư công nghệ, gia tăng độ tin cậy, uy tín với nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư quốc tế khi Nasdaq Global Select Market có tiêu chí niêm yết nghiêm ngặt hơn 2 sàn Nasdaq còn lại.


Nhìn lại tình hình IPO trong năm 2022, số lượng công ty IPO tại Hoa Kỳ giảm 83% so với năm 2021 (theo Stock Analysis) và số lượng công ty IPO trên toàn cầu giảm 45% so với năm 2021 (theo EY) do lãi suất tăng, lạm phát tăng và tình trạng bán tháo trên thị trường chứng khoán. Với tình hình kinh tế căng thẳng đó, nhiều công ty tạm hoãn việc IPO để chờ sự phục hồi của thị trường vào năm 2023. Cuối năm 2022, Vinfast có kế hoạch niêm yết vào đầu năm 2023. Theo một số chuyên gia dự đoán, đầu năm 2023 là thời điểm nền kinh tế Hoa Kỳ và toàn cầu sẽ bắt đầu có sự phục hồi và nửa cuối năm 2023 là thời điểm nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ nhất.


Vốn hoá và giá cổ phiếu IPO


Mặc dù chưa có thông tin cụ thể về giá cổ phiếu và số lượng cổ phiếu phát hành, Vinfast hiện đã có kế hoạch huy động 2 tỷ USD và đạt mức định giá 60 tỷ USD. Trong top 5 vốn hoá của công ty sản xuất xe điện, Tesla là công ty có mức vốn hoá cao nhất (652.18 tỷ USD) trong khi 4 công ty còn lại giá trị vốn hoá dao động từ 17.01 tỷ USD (NIO) đến 24.92 tỷ USD (Li Auto). Với vốn hoá 60 tỷ USD, Vinfast sẽ được xếp vào top 5 công ty sản xuất xe điện trên toàn cầu và vốn hoá thị trường của Vinfast chỉ sau Tesla. Đồng thời, Vinfast lọt vào top 10 giá trị vốn hoá của các công ty sản xuất ô tô khi có giá trị vốn hoá tương đương với General Motors là 59.32 tỷ USD, vượt mặt các hãng ô tô tên tuổi như Stellantis, Ford và đứng chung top 10 với các hãng ô tô lớn khác như BMW, Volkswagen, Porsche. Việc đứng vào top các hãng ô tô lớn trên thế giới là một thách thức của Vinfast khi Vinfast còn khá non trẻ so với các hãng ô tô truyền thống.


3. KẾT LUẬN


Nếu IPO thành công sẽ giúp Vinfast trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên niêm yết tại thị trường Hoa Kỳ. Đồng thời, đây sẽ là tiền đề lớn để Vinfast thực hiện được mục tiêu mở rộng toàn cầu của họ.

34 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page