top of page

Giới tài chính điêu đứng sau khi Silicon Valley Bank tuyên bố chính thức phá sản

Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) đang là chủ đề bàn tán sôi nổi trong suốt mấy ngày hôm nay. Sự kiện được ví như cú địa chấn đối với nền kinh tế của Hoa Kì. Bởi đây là sự kiện sụp đổ lớn thứ hai trong lịch sử nước này và lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra năm 2008, khi FDIC tiếp quản Washington Mutual. Việc SVB sụp đổ kéo theo cổ phiếu của hàng loạt ngân hàng như First Republic, PacWest và Signature Bank bị đóng băng do độ biến động cao.


Công ty Bảo hiểm liên bang kí thác Hoa Kì FDIC (The Federal Deposit Insurance Corporation) đã thực hiện kiểm kê số tài sản của Silicon Valley Bank (SVB) vào thứ sáu ngày 10/3 vừa qua. Sự sụp đổ của SVB làm dấy lên mối lo ngại về sự mất cân bằng của các ngân hàng khác trong khu vực.


Silicon Valley Bank (SVB) từng là ngân hàng thương mại 40 năm tuổi, có trụ sở tại Santa Clara, California. SVB nằm trong danh sách các ngân hàng lớn nhất tại Hoa Kỳ, với tổng giá trị tài sản nắm giữ lên đến 209 tỷ USD và tổng tiền gửi lên tới 175.4 tỷ USD tính đến ngày 31/12/2022.


Giải thích một phần cho lý do SVB sụp đổ là vì vừa qua ngân hàng này đã sử dụng nguồn tiền gửi của khách hàng để đầu tư một khoản lớn vào trái phiếu kho bạc dài hạn và trái phiếu thế chấp, ngay trước khi Cục Dự trữ Liên bang Fed bắt đầu tăng lãi suất vào hơn một năm trước. Điều không lường trước là tốc độ tăng lãi suất cực nhanh, cộng thêm dòng tiền tài trợ khởi nghiệp bị chậm lại cùng lúc với thời điểm này, hàng loạt khách hàng của SVB đã bắt đầu ồ ạt rút tiền. Điều này đã dẫn tới sự sụp đổ hoàn toàn của SVB. Tóm tắt ngắn tình hình của SVB trong vài ngày vừa qua:

  • Ngày 7/3, SVB tuyên bố họ đã bán lỗ một loạt chứng khoán và sẽ bán 2,25 tỷ USD cổ phiếu mới.

  • Ngày 8/3, cổ phiếu của SVB giảm sâu, khiến cổ phiếu của các ngân hàng khác giảm theo.

  • Ngày 9/3, cổ phiếu của SVB bị tạm dừng giao dịch, ngân hàng này cũng từ bỏ nỗ lực tăng vốn hoặc tìm người mua. Một số cổ phiếu ngân hàng khác cũng tạm thời ngừng giao dịch cùng ngày, bao gồm First Republic, PacWest Bancorp và Signature Bank.

  • Ngày 10/3, SVB tuyên bố phá sản. Rạng sáng cùng ngày, FDIC cũng thông báo rằng họ sẽ tiếp quản SVB.


Thông báo thể hiện rằng họ đã thành lập một ngân hàng mới, Ngân hàng Quốc gia Santa Clara (the National Bank of Santa Clara), để giữ tiền gửi và các tài sản khác của SVB. Cơ quan quản lý nói rằng ngân hàng mới sẽ bắt đầu hoạt động vào vào thứ Hai tới này và séc do ngân hàng cũ phát hành sẽ được tiếp tục thanh toán. Tất cả những người đã gửi tiền tại SVB được đảm bảo vẫn có thể tiếp cận số tiền gửi có bảo hiểm của họ trước ngày 13/3. Mặc dù họ có thể đảm bảo rằng những khách hàng có mức tiền gửi trong khoảng 250.000 USD (mức tối đa được bảo hiểm bởi FDIC) sẽ được hoàn trả toàn bộ, nhưng không có gì đảm bảo những người với khoản tiền lớn hơn có khả năng được nhận được toàn bộ số tiền của mình.


Những khách hàng này sẽ được cấp giấy chứng nhận cho số tiền không được bảo hiểm của họ, nghĩa là họ sẽ nằm trong số những người đầu tiên được trả lại số tiền đã thu hồi trong khi FDIC nắm giữ quyền tiếp nhận của SVB, khoản này được gọi là ‘cổ tức tạm ứng’. Mặc dù vậy, vẫn không có bất kì một sự khẳng định nào rằng có thể lấy lại được toàn bộ số tiền của mình.


Sự kiện của SBV xảy ra hai ngày sau khi các động thái khẩn cấp của ngân hàng này nhằm xử lý các yêu cầu rút tiền và sự sụt giảm nghiêm trọng về giá trị của các khoản đầu tư mà họ nắm giữ đã gây sốc cho Phố Wall và những người gửi tiền, khiến cổ phiếu của ngân hàng này lao dốc không phanh. Trước đó, cổ phiếu ngân hàng SVB đã tụt giảm 62% trong 5 ngày, xóa sạch khoảng $80 tỷ USD giá trị cổ phiếu.


Sự sụp đổ chớp nhoáng của ngân hàng Silicon Valley được coi là cú sốc với ngành tài chính, song giới chuyên gia nhận định vụ việc không nhiều khả năng gây ra "hiệu ứng domino".


Nguồn: Tổng hợp


11 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page