EXIT: Vấn đề muôn thuở của Đầu tư mạo hiểm
“Exit” hay trong tiếng Việt là thoái vốn là hành động mà nhà đầu tư mạo hiểm rút khoản đầu tư ra khỏi một startup thông qua các hình thức khác nhau để kết thúc một chu kì đầu tư và xác định phần lãi hoặc lỗ. Điều đó có nghĩa là các nhà đầu tư và quỹ đầu tư chỉ có thể chấm dứt một chu kì đầu tư vào một startup khi tìm được cách “exit”. Nếu không, nhà đầu tư sẽ đứng trước nguy cơ không thể thoái vốn hoặc thua lỗ trầm trọng.
Tuy nhiên đây lại chính là một trong những bài toán gây đau đầu nhất cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư mạo hiểm bởi tính thanh khoản của các khoản đầu tư này không cao.
Hãy cùng điểm qua một số phương pháp “exit” của các quỹ nhé!

IPO (Initial Public Offering)
“IPO” (Initial Public Offering) hay trong tiếng Việt là “Phát hành lần đầu ra công chúng” để chỉ việc một startup bắt đầu được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Việc này sẽ mở ra cơ hội thanh khoản cao để các nhà đầu tư trước đó nhượng lại phần sở hữu của mình trong công ty cho người khác với một mức giá được kì vọng mang lại lợi nhuận.
Thế nhưng, việc IPO của một startup chịu tác động bởi rất nhiều yếu tố chẳng hạn nhưng những quy định khắc khe của các sàn giao dịch chứng khoán và thường chỉ xuất hiện khi startup đó thu được lợi nhuận dương bền vững.
Đây là chiến lược thường được sử dụng bởi nhiều nhà khởi nghiệp như một cách “exit” (thoái vốn) đầy tiềm năng cho các khoản đầu tư mạo hiểm vào các startup khi kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư. Tuy nhiên chỉ 1 startup Việt Nam đạt được mục tiêu IPO trong giai đoạn 2014-2020 lại một lần nữa đặt ra câu hỏi về tính thực tế của phương pháp “exit” này.
M&A (Mergers and Acquisitions)
M&A (Mergers and Acquisitions) hay trong tiếng Việt là “Sáp nhập và thâu tóm” là những thương vụ mà startup sẽ được mua lại thường bởi một doanh nghiệp lớn hơn hoặc sát nhập với một công ty khác. Đây cũng là một cơ hội tốt để nhà đầu tư trước có thể bán lại cổ phần của mình để kết thúc chu kì đầu tư vào một startup.
Các thương vụ M&A thường được diễn ra trong các trường hợp như thâm nhập thị trường mới, cần có giấy phép, mở rộng danh mục sản phẩm, tăng thêm tính năng cho sản phẩm hiện hữu hay thu phục nhân tài.
Để đạt được mục tiêu “Exit” bằng M&A thì cả nhà đầu tư và nhà khởi nghiệp phải ý thức được chính xác ai sẽ là những người mua tiềm năng và duy trì mối quan hệ tốt với họ. Bên cạnh đó cần duy trì một mạng lưới những nhà cố vấn chất lượng dành cho những vòng đàm phán M&A.
Bán thứ cấp (Secondary Sale)
Khi startup chưa IPO, các nhà đầu tư mạo hiểm có thể bán lại số cổ phần sở hữu của mình cho một nhà đầu tư khác để thoái vốn. Điều này thường xảy ra khi một nhà đầu tư mới muốn đầu tư vào một startup triển vọng nhưng nhà sáng lập không muốn phát hành thêm cổ phiếu và không chấp nhận số cổ phần của mình bị pha loãng hơn hoặc khi một nhà đầu tư hiện hữu muốn gia tăng tỉ lệ cổ phần sở hữu của mình để đạt được một số quyền nhất định.