top of page

Capital Call - Tổng quát về Capital Call

Capital Call là một thuật ngữ không mới trong giới đầu tư khởi nghiệp. Tuy nhiên chưa hẳn tất cả chúng ta đều có thể hiểu rõ về cách thức vận hành của nó như thế nào. Vì vậy, hôm nay VC Guidance sẽ giúp mọi người có cái nhìn tổng quát và toàn vẹn nhất về Capital Call.



CAPITAL CALL LÀ GÌ?

Capital Call, tạm dịch là yêu cầu góp vốn, là quy trình xảy ra sau khi đã thực hiện tuyển chọn và thẩm định. Đây là lúc mà GP cần thu vốn từ LP để giải ngân đầu tư cho các startup. Tiền của LP sẽ chuyển đến tài khoản của quỹ theo tỉ lệ đã được cam kết tại LPA (Limited Partnership Agreement). Nghĩa là, khi LP đăng ký quỹ VC, họ cần cam kết một khoản tiền cụ thể để đầu tư, tuy nhiên không cần chuyển toàn bộ vào quỹ tại thời điểm gia nhập. Thay vào đó, mỗi khi được GP gọi, LP sẽ phải cung cấp đầy đủ khoản vốn được yêu cầu.

CÓ NHỮNG KIỂU CAPITAL CALL NÀO?

Tùy thuộc vào từng thỏa thuận giữa GP vs LP mà sẽ có những cách yêu cầu góp vốn khác nhau. Tuy nhiên, thông thường sẽ có những cách sau đây:

  • Discretionary Capital Call: Hình thức góp vốn không cố định thời điểm. Tức là bất kì khi nào GP cạn vốn, họ sẽ yêu cầu LP của mình góp thêm khoản còn lại vào.

  • Annual/Quarter Capital Call: Xảy ra theo định kì. Vào đúng một khoảng thời gian cố định theo kế hoạch hoặc cũng có thể tính theo thường niên hoặc theo quý, GP sẽ thực hiện một lần Capital Call.

  • Staged Capital Call: LP sẽ được yêu cầu bổ sung vốn vào quỹ trước hoặc sau mỗi stage của startups trong danh mục.

  • Per-investment Capital Call: Xảy ra khi mà VC cần thêm vốn để đầu tư vào các danh mục mới.

Thông thường, tính từ lúc được thông báo cho tới khi giải ngân, LP cần đảm bảo chuyển vốn được yêu cầu trong vòng10 ngày. Vì vậy, dù là với kiểu nào, các LP cũng cần luôn chuẩn bị sẵn sàng nguồn tiền đã được cam kết trước đó để tránh việc không có khả năng đáp ứng khi Capital Call đến.

CAPITAL CALL GIÚP GÌ CHO GP VÀ LP?

Đối với General Partners.

Thời gian Capital Call giúp GP đo lường được mức độ performance của quỹ, từ đó giảm được các rủi ro không đáng có trong quá trình đầu tư. Việc yêu cầu góp cùng lúc toàn bộ vốn đầu tư của LP sẽ khiến cho khoản tiền không được dùng tới phải ‘nằm im chờ đợi’ trong quỹ mạo hiểm. Điều này sẽ khiến cho phần lãi suất kiếm được thấp hơn và gây ảnh hưởng đến toàn bộ tỷ suất hoàn vốn nội bộ của quỹ (IRR).

Ngoài ra, bằng cách gọi vốn khi cần thiết, GP có thể phản ứng nhanh chóng với các cơ hội đầu tư và điều chỉnh chiến lược của họ khi điều kiện thị trường thay đổi.

Bên cạnh đó, GP cũng có thể linh động để tăng quy mô nhóm đầu tư của họ và có khả năng tạo ra lợi nhuận cao hơn. Điều này đặc biệt đúng trong các thị trường chuyển động nhanh, nơi mà khả năng hành động nhanh chóng có thể tạo ra tất cả sự khác biệt trong việc đảm bảo một khoản đầu tư hấp dẫn.

Hơn hết, cách thức hoạt động này cho phép GP thu hút các nhà đầu tư hơn bởi các yêu cầu hạn chế về lượng tiền mặt phải trả trước, giúp LP có thể đạt được sự linh hoạt về dòng tiền.

Đối với Limited Partners.

Như đã nói ở trên, Capital Call tạo điều kiện cho LP tận dụng triệt để phần tiền khi chưa được GP thông báo góp vốn. Có thể hiểu rằng, trong danh mục đầu tư của LP thường có nhiều loại tài sản khác nhau và được chia ra theo các loại cấp bậc bao gồm: Ngắn hạn, trung hạn, và dài hạn. Các quỹ mạo hiểm thường có vòng đời 10 năm, và giai đoạn đầu tư ban đầu của quỹ thường sẽ kéo dài trong vài năm (ít nhất là 3 năm). Tức là, lượng tài sản mà LP góp vào một quỹ mạo hiểm sẽ là phần tài sản đầu tư dài hạn. Việc sử dụng Capital Call có thể giúp LP mang số vốn nhàn rỗi còn lại đầu tư vào các danh mục ngắn và trung hạn để gia tăng nguồn thu.

Bên cạnh đó, việc chia nhỏ các lần góp vốn còn giúp LP dễ dàng xử lí hơn trong việc gia tăng nguồn vốn mà không gặp nhiều áp lực khi thiếu vốn.

CHUYỆN GÌ SẼ XẢY RA NẾU LPS KHÔNG THỰC HIỆN ĐỦ CAPITAL CALL?

Việc LP không đáp ứng được Capital Call có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng không những cho quỹ và GP, mà cả chính các LP đó cũng sẽ gặp rắc rối khi không thực hiện theo đúng thỏa thuận đã kí ban đầu, bao gồm:

  • Hình phạt tài chính: Tùy thuộc vào các điều khoản của LPA, việc không thực hiện Capital Call đầy đủ có thể dẫn đến hình phạt về tài chính bao gồm: Lãi suất phạt hoặc các khoản phí khác do không đáp ứng thời hạn call. Thông thường, LP có khả năng sẽ:

· Bị bán quyền lợi cho bên thứ ba, chính GP hoặc các nhà đầu tư khác, với giá thương lượng hoặc giá thỏa thuận trước có thể thấp hơn giá trị thị trường và giá trị sổ sách, sau khi trừ chi phí.

· Bị kiện về những thiệt hại đã gây ra cho GP hoặc khả năng thực hiện cụ thể các nghĩa vụ của mình theo hợp đồng.

· Có thể bị phạt lãi suất, thường là trên 80%, lớn hơn khoản lãi thỏa thuận.

  • Tổn hại danh tiếng: Những LP không thực hiện Capital Call sẽ bị rơi vào blacklist và gần như khó có cơ hội làm việc với các quỹ VC. Họ có thể bị các nhà đầu tư khác coi là không đáng tin cậy để cùng cộng tác.

  • Mất cơ hội đầu tư trong tương lai: Đây dường như được coi là một trong những hậu quả chính đối với LP. Ngoài khả năng rằng sẽ không được làm việc với GP hiện tại nữa, thì như đã nói ở trên, việc ‘lỡ hẹn’ dù chỉ một lần có thể sẽ tới tai của những GP khác, và họ sẽ trở nên dè chừng khi hợp tác với LP này. Do vậy, LP tỉ lệ cao sẽ phải bỏ lỡ các cơ hội đầu tư hấp dẫn, thậm chí tiềm năng tạo ra lợi nhuận lớn trong tương lai.

Tóm lại, việc không thực hiện được vòng yêu cầu góp vốn có thể gây ra những hậu quả đáng kể. Điều quan trọng đối với các LP là phải hiểu các điều khoản trong LPA của họ và thực hiện các thỏa thuận cần thiết để đảm bảo thực hiện Capital Call một cách kịp thời.

56 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page