Buy Now Pay Later: Đầy tiềm năng tại Việt Nam nhưng vô cùng thách thức trên toàn cầu?
Mua trước trả sau (Buy now, pay later - BNPL) là hình thức thanh toán cho phép người tiêu dùng mua hàng và trả dần thành nhiều đợt trong một khoảng thời gian nhất định. Xuất phát từ nhu cầu của giới trẻ với mong muốn trải nghiệm việc mua sắm nhanh chóng, dịch vụ này được tích hợp vào các bước thanh toán trực tuyến hoặc tại cửa hàng của đơn vị bán lẻ và nhãn hàng.

Đầy tiềm năng tại Việt Nam
Hiện tại, thị trường ‘Mua trước Trả sau - Buy Now Pay Later’ ở Việt Nam có sự tham gia của rất nhiều tay chơi trong và ngoài nước, có thể kể đến như Home PayLater – Home Credit, SmartPay, Fundiin, Kredivo, Ree-Pay, Kaypay, Atome…
Tại Việt Nam, 2 startup đang được đánh giá đi tiên phong và đang dẫn dắt thị trường là startup Việt Fundiin cùng ‘kỳ lân’ đến từ Indonesia - Kredivo.
Còn trên toàn cầu, Atome (Singapore) và Kredivo đang lấn lướt các startup trong nước
Theo nghiên cứu của Kaypay, thị trường mua trước trả sau tại Việt Nam trị giá khoảng 4.6 tỷ USD, con số khá ấn tượng so với các quốc gia đã phát triển hình thức này trước một vài năm trong khu vực như Indonesia (khoảng 9 tỷ USD) hay Singapore (khoảng 3 tỷ USD).
Theo báo cáo của Research & Markets về thị trường Việt Nam:
Trong năm 2021, hình thức mua trước trả sau tại Việt Nam đạt giá trị hơn 697 triệu USD, tăng trưởng 71,5% /năm.
Qua năm 2022, thị trường này dự kiến tăng trưởng với tốc độ là 45.2% trong giai đoạn 2022-2028.
Dự đoán tổng giá trị hàng hóa qua thanh toán BNPL có thể sẽ tăng 21 lần và đạt khoảng 10 tỉ đô la Mỹ vào năm 2028.
Những thách thức trên toàn cầu
BNPL ban đầu nhận được rất nhiều sự quan tâm của các công ty công nghệ hàng đầu và các quỹ đầu tư. Bằng chứng là đã có những thương vụ gọi vốn, mua bán, sáp nhập, hợp tác đình đám trị giá hàng tỉ đô la Mỹ diễn ra giữa các công ty trong mảng dịch vụ BNPL. Điển hình là thương vụ PayPal mua lại Paidy (một nhà cung cấp dịch vụ BNPL tại Nhật Bản) với giá 300 tỉ yen (tương đương 2,7 tỉ đô la) vào năm 2021.
Theo Allied Market Research, thị trường BNPL toàn cầu đã đạt 90,69 tỉ đô la Mỹ (năm 2020) và có thể tăng lên 3.980 tỉ đô la Mỹ (năm 2030). Trong đó, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang chiếm gần một nửa tổng số thị phần và được dự báo sẽ tiếp tục chiếm ưu thế vào năm 2030.
Tuy nhiên hiện tại, các nhà đầu tư vào các công ty BNPL đang đứng ngồi không yên khi chứng kiến 6,5 tỉ USD bốc hơi khỏi thị trường này.
Đầu tiên là nền tảng mua trước trả sau Klarna: Mức định giá giảm 85%, từ 45.6 tỷ USD xuống còn 6.7 tỷ USD, sau vòng gọi vốn trị giá 800 triệu USD. Cùng với sự kiện này, không ít startup BNPL trên toàn cầu sụt giảm giá trị, có bên giảm tới 99%. Cùng với những khoảng lỗ lũy kế khổng lồ, một số chuyên gia đánh giá BNPL là cỗ máy đốt tiền cho các nhà đầu tư, và không có lợi nhuận trước mắt.
Một vài lí do được đưa ra cho sự sụt giảm này bao gồm: Tổn thất tín dụng lớn với những khoản nợ khó đòi, cũng như sự thay đổi quy định về tín dụng và lãi suất tăng cao ở một số quốc gia,...

Theo bạn, với những bài học từ các công ty BNPL trên toàn cầu vừa qua, các startup BNPL tại Việt Nam có thể làm gì để tiếp tục nắm lấy cơ hội và vượt qua thách thức?