Board seat - Tại sao VC muốn có một vị trí trong hội đồng quản trị của startups?
Nếu bạn từng được huy động vốn từ VC, hoặc đã và đang làm việc cho các quỹ đầu tư mạo hiểm, hẳn bạn sẽ rất quen thuộc với khái niệm của Board Seat. Vậy board seat là gì và vì sao một số VC lại yêu cầu board seat đối với doanh nghiệp của startup. Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết ngày hôm nay:
BOARD SEAT LÀ GÌ?
Board seat, tạm dịch là vị trí trong hội đồng quản trị của công ty, là một trong số các điều kiện mà các VC muốn thương lượng khi quyết định đổ vốn cho một doanh nghiệp startup, thường gặp trong term sheet.
Nhà đầu tư đầu tư sớm nhất hoặc nhà đầu tư có cổ phần lớn nhất sẽ có thể sẽ được ưu tiên tham gia vào hội đồng quản trị, thường là ở early-stage hoặc series A series B. VC thường không tham gia nhiều vào board trong các stage sau nữa.
Thông thường, VC sẽ chỉ định 1 người đại diện để ngồi vào vị trí trong hội đồng quản trị.
Hội đồng quản trị của startup giai đoạn đầu thường có quy mô nhỏ từ 3 tới 5 thành viên, bao gồm 1 đến 2 nhà sáng lập công ty, 1 đến 2 nhà đầu tư và có thể thêm 1 thành viên độc lập được các thành viên khác trong hội đồng quản trị chấp nhận cho tham gia.

VẬY TẠI SAO VC LẠI CẦN CÓ VỊ TRÍ TRONG HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ?
Nắm được một vị trí trong ban hội đồng quản trị là điều tương đối tiên quyết trong quyết định đầu tư của VC. Sở dĩ mà nó trở nên quan trọng như vậy là vì:
Thứ nhất, để bảo vệ và quản lý khoản đầu tư của mình.
Thường thì sẽ thông qua việc giúp startup đó gia tăng giá trị trong các vòng gọi vốn tiếp theo. Nếu ban quản lý hiện tại đang hoạt động kém hiệu quả hoặc không có khả năng gia tăng giá trị cho nguồn đầu tư cho VC, họ sẽ có thể có quyền quyền thương lượng và đưa ra biểu quyết thay đổi một ban quản lý mới có chất lượng và trách nhiệm hơn.
Thứ hai, để cân đo hiệu quả điều hành của doanh nghiệp.
VC muốn tham gia và sống trong hệ sinh thái của startup để biết họ đang làm gì, vận hành doanh nghiệp ra sao và sử dụng dòng tiền của VC thế nào.Từ đó VC có thể sử dụng kinh nghiệm của mình để giúp startup điều hành và kịp thời xoay chuyển trước những rủi ro bất chợt từ cả bên ngoài và trong chính nội bộ của công ty.
Thứ ba, để trình bày lại cho các LPs biết tiền của họ có đang được sử dụng đúng cách hay không.
Một điều khiến việc có mặt trong hội đồng quản trị của doanh nghiệp trở nên vô cùng quan trọng đối với VC đó là để cập nhật đều đặn các thông tin tài chính của công ty cho các LP của họ. Hầu hết số tiền được VC mang đi đầu tư thường không phải là của riêng GP mà đến từ các LP. Chính vì vậy, VC có trách nhiệm lớn trong việc đảm bảo tính minh bạch và giá trị sử dụng nguồn tiền đối với các LP.