Như các bạn đã biết, các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) huy động tiền từ các cá nhân và tổ chức khác và đóng vai trò quản lý nguồn tiền đó. Những cá nhân và tổ chức đầu tư tiền vào VC được gọi là Limited Partners (LP). Vậy bên cạnh VC, LP còn có những lựa chọn đầu tư nào khác? Tiền của họ đang chảy vào đâu? Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau bước đầu khám phá những loại hình đầu tư thông dụng thông qua khái niệm Asset Class.
Asset Class là gì?
Asset Class - dịch nôm na sang tiếng Việt là "Nhóm tài sản" - gồm các khoản đầu tư có tính chất tương tự nhau và chịu sự điều tiết của những luật lệ, quy chế giống nhau. Các tính chất cơ bản nhất của một khoản đầu tư bao gồm: return (lợi tức), risk (rủi ro) và liquidity (tính thanh khoản). Như vậy, khái niệm asset class thường được dùng khi lên chiến lược đầu tư với mục đích đa dạng hoá danh mục đầu tư nhằm tối đa hoá lợi nhuận mang lại và giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra.

(Hình: sưu tầm)
Có những loại Asset Class nào?
Có rất nhiều loại Asset Class, trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu một số loại cơ bản và tính chất của chúng.
- Tiền và các khoản tương đương tiền (Cash and Cash equivalents): Đặc điểm nổi bật của nhóm này là tính thanh khoản cao có nghĩa là những tài sản thuộc nhóm này có thể được dễ dàng và nhanh chóng đổi thành tiền. Tuy nhiên, lợi nhuận của nhóm tài sản này thường không cao.
- Chứng khoán có thu nhập cố định (Fixed-income security): Loại tài sản thường gặp trong nhóm này là trái phiếu (bonds). Nhà đầu tư mua trái phiếu đồng nghĩa với việc cho một doanh nghiệp hoặc chính phủ vay tiền với một mức lãi suất cố định (thường cao hơn mức lãi suất ngân hàng một chút). Đặc điểm nổi bật của nhóm này là sự ổn định, ít rủi ro, tuy nhiên cùng với đó là lợi nhuận không cao.
- Chứng khoán (Equity): Nhóm này bao gồm các loại cổ phiếu của các công ty đại chúng được niêm yết trên sàn chứng khoán. Nhà đầu tư sở hữu chứng khoán của một công ty có thể kiếm tiền bằng hai cách: cổ tức (dividend) hoặc mua đi bán lại trên sàn chứng khoán để hưởng giá trị chênh lệch. Như vậy, chứng khoán có tính thanh khoản ở mức ổn (có thể được mua đi bán lại trên sàn chứng khoán). Nhà đầu tư có thể mua bán chứng khoán tại nhiều quốc gia, thường họ sẽ kết hợp giữa một số cổ phiếu tại các quốc gia phát triển và một số cổ phiếu ở các thị trường mới nổi (emerging markets) với mục tiêu đa dạng hoá danh mục đầu tư.
- Hàng hoá (Commodity): Một số loại tài sản thuộc nhóm này bao gồm dầu mỏ, khí đốt, vàng, hoặc thậm chí là các tác phẩm hội hoạ có giá trị. Thông thường, những loại tài sản này vẫn giữ được giá trị trong một khoảng thời gian nhất định. Các nhà đầu tư cũng có thể mua đi bán lại những tài sản này để có lợi nhuận.
- Nhóm các khoản đầu tư thay thế (Alternative investment): Nhóm này bao gồm rất nhiều loại tài sản như bất động sản, đầu tư vào các quỹ như Private Equity (PE) và VC. Đối với việc đầu tư vào các quỹ đóng như quỹ PE và VC, tiền đầu tư sẽ bị "giam" trong khoảng thời gian tương đương với vòng đời của quỹ (thông thường là 10 năm). Như vậy, trong khoảng thời gian này, tính thanh khoản của khoản đầu tư này rất thấp, rủi ro cao. Đổi lại, nhà đầu tư thường kỳ vọng vào mức lợi nhuận cao (thông thường là 3x).
Bên cạnh những nhóm tài sản cơ bản nói trên, trong thời gian gần đây, chúng ta còn chứng kiến sự nổi lên của một số loại tài sản đầu tư như tiền kỹ thuật số (các đồng bitcoin, ethereum, v.v...), NFT, v.v..
Như vậy, đầu tư vào VC chỉ là một trong các lựa chọn của LP. Các LP ưa thích sự an toàn thường hiếm khi lựa chọn đầu tư vào các quỹ đóng như PE và VC. Tuy nhiên, trên thực tế, việc đầu tư vào VC không chỉ có tiềm năng mang lại mức lợi nhuận cực kỳ cao, mà còn góp phần thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế hoặc tạo ra những tác động tích cực tới kinh tế - xã hội (thông qua đầu tư tác động - impact investment). Hy vọng rằng trong tương lai, ngành đầu tư mạo hiểm nói chung và ngành đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam nói riêng sẽ xuất hiện nhiều nhà quản lý quỹ giỏi (fund manager, thường đóng vai trò General Partner) để có thể huy động thêm nhiều nguồn tiền, góp phần đổi mới diện mạo nền kinh tế cũng như nuôi dưỡng những sáng tạo không ngừng của các nhà khởi nghiệp.