25 tới 35 là con số LP lý tưởng mà bạn nên tìm kiếm cho quỹ của mình. Một số quỹ có thể có số lượng LP ít hơn, phụ thuộc vào quy mô quỹ và quy mô của một lần xuống tiền (ticket size).
Thông thường, những cá nhân với thu nhập cao (high net worth individuals) có thể cam kết đóng góp từ $100.000 tới $1.000.000 cho một quỹ đầu tư mạo hiểm, trong khi đó văn phòng gia đình (family offices) thường đóng góp tối thiểu $500.000. Hãy bắt đầu từ số tiền mà bạn mong muốn gọi được và phân tích ngược lại để ra được ước lượng số nhà đầu tư mà bạn cần có cho quỹ của mình.
Bạn hãy đặt ra một mức góp vốn tối thiểu và con số này thường phụ thuộc vào khu vực và mạng lưới quan hệ của bạn. Mặc dù có thể bạn rất muốn nhận lấy bất kỳ số tiền nào mà ai đó sẵn lòng đầu tư, hãy nhớ rằng bạn sẽ quản lý tiền của họ trong 10 năm. Hãy thử tưởng tượng bạn có 100 nhà đầu tư, mỗi người đóng góp $10.000, bạn sẽ phải mất bao nhiêu thời gian và nguồn lực để quản trị tốt mối quan hệ với họ trong một khoảng thời gian dài tới vậy?
Trong trường hợp có nhà đầu tư mong muốn đóng góp ít hơn số tiền tối thiểu mà bạn đã đặt ra, bạn có thể quyết định dựa trên giá trị mà người đó mang lại. Ví dụ: nếu họ có khả năng và mạng lưới phù hợp để giới thiệu được nhiều dự án tốt cho bạn, bạn nên cân nhắc trường hợp ngoại lệ này.
Tôi nên lựa chọn quy mô quỹ (fund size) của mình là bao nhiêu?
Hãy xác định quy mô quỹ dựa trên luận điểm đầu tư (thesis), mạng lưới quan hệ và mục tiêu gọi vốn trong đợt đầu tiên (first close) của bạn. Mục tiêu nên đặt ra là hãy xác định một MVF - Minimum Viable Fund – Phiên bản khả dụng tối thiểu – và tìm cách đạt được nó.
Nếu luận điểm đầu tư (thesis) của bạn gắn với những ngành cần số vốn lớn (ví dụ bạn mong muốn đầu tư vào việc khám phá vũ trụ hoặc những nghiên cứu cơ bản về hạt), nhà đầu tư sẽ không tin bạn có thể làm được gì đó khác biệt trên thị trường chỉ với 5 hay 10 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, trong suốt vòng đời của công ty quản lý quỹ của mình, bạn có thể gọi vốn cho nhiều quỹ, ví dụ: 5-10 triệu đô la Mỹ cho quỹ đầu tiên, 20 triệu đô la Mỹ cho quỹ thứ hai và 50 hoặc 100 triệu đô la Mỹ cho quỹ thứ ba. Trên hết, bạn cần thuyết phục được nhà đầu tư bằng tầm nhìn của mình và hãy chắc chắn rằng luận điểm đầu tư và quy mô quỹ của bạn phù hợp với nhau về mặt logic.
Bên cạnh đó, bạn cần đánh giá quy mô quỹ dựa trên khả năng bạn có thể thu hút vốn. Để có thể đóng được quỹ đầu tiên, bạn cần phải đạt được mục tiêu kỳ vọng tối thiểu. Do đó, bạn cần đánh giá mạng lưới các mối quan hệ của mình về chất lượng, điểm mạnh và mức độ dễ tiếp cận. Việc bạn có thể đóng được vòng đầu tiên với 1 triệu đô la Mỹ vẫn tốt hơn là đặt ra mục tiêu 5 triệu đô la Mỹ nhưng không bao giờ có thể cán mốc. Nếu bạn có một mạng lưới quan hệ chất lượng, hãy huy động thêm nhiều vốn hơn.
Thông thường, bạn nên huy động được 20% trên tổng số quy mô quỹ mục tiêu trong lần đóng đầu tiên. Do đó, nếu bạn muốn quản lý một quỹ 10 triệu đô la Mỹ, bạn cần huy động khoảng 2 triệu đô la Mỹ trong vòng đầu tiên. Hãy cân nhắc tất cả những yếu tố kể trên để đặt ra một con số hợp lý và có thể đạt được.
Tôi nên thuyết trình về quỹ của mình như thế nào?
Để có thể thành công thuyết trình về quỹ của mình, bạn nên tham khảo một số mẫu thuyết trình đã được chứng minh là có hiệu quả, tầm nhìn và sứ mệnh cũng như giải thích được các thành tựu trong quá khứ, đồng thời đảm bảo sự tuân thủ đối với các quy định pháp luật.
Đầu tiên, hãy cân nhắc việc làm theo một số mẫu tham khảo. Có một số chủ đề mà các LP thường mong muốn được nghe ví dụ như kinh nghiệm của bạn, luận điểm đầu tư, đội ngũ, thị trường, thành tựu của quỹ tới thời điểm hiện tại và chiến lược tìm kiếm các deal đầu tư.
Mặc dù nghe có thể hơi hoa mỹ nhưng những LP chấp nhận đầu tư vào một quỹ non trẻ thường xuất phát từ sự phù hợp với sứ mệnh và tầm nhìn của bạn, bên cạnh sự tập trung vào lợi nhuận mang lại. Là một nhà quản lý quỹ lần đầu tiên, bạn sẽ không có nhiều thành tựu trong quá khứ về lợi nhuận tài chính có thể mang lại, tuy nhiên bạn luôn luôn có thể nói về những gì bạn đã làm trong quá khứ và cách mà những điều đó có thể mang lại thành công cho bạn trong tương lai.
Bên cạnh đó, một trong những điều quan trọng nhất đó là hãy tìm hiểu thật kỹ về LP và luôn cố gắng tham gia vào cuộc hội thoại. Trước khi bạn đi tới bất kỳ một buổi thuyết trình nào về quỹ của mình, bạn nên có hình dung về người bạn sắp gặp, mối quan tâm của họ và động lực thúc đẩy họ ra quyết định, và bạn nên tập trung lắng nghe những gì họ nói thật kỹ khi có cơ hội được trò chuyện trực tiếp với họ. Một mẹo nhỏ là hãy lựa chọn những điểm chung giữa bạn và họ để bắt đầu cuộc trò chuyện.
Và cuối cùng, hãy đảm bảo rằng bạn nắm được và tuân theo tất cả các luật lệ có liên quan tới đầu tư trong lãnh thổ mà bạn muốn huy động vốn. Hãy học hỏi thêm từ những nhà quản lý quỹ khác và những nguồn kiến thức khác khi có cơ hội, điều này sẽ giúp bạn rút ngắn được rất nhiều thời gian và chi phí cơ hội.
Làm sao để đóng đợt gọi vốn đầu tiên?
Có 2 thuật ngữ mà bạn nên biết đó là “soft circled” và “committed”. “Soft circled” dùng để chỉ sự quan tâm của LP dành cho bạn, thể hiện thông qua việc họ đã xác định và chia sẻ với bạn về số tiền mà họ mong muốn đóng góp vào quỹ của bạn. Trong khi đó, “committed” chỉ về một sự cam kết chắc chắn và hai bên đã ký các thủ tục giấy tờ liên quan (ví dụ như the Cornerstone LPA – cam kết góp vốn dành cho LP).
Trong quá trình đóng đợt gọi vốn đầu tiên, bạn sẽ cần tương tác, định hướng và điều phối cả nhóm nhà đầu tư có “soft circled” và “committed” để hoàn thành các thủ tục cần thiết và chính thức đóng quỹ. Thông thường, chi phí dành cho luật sư, pháp lý của đợt đóng quỹ đầu tiên rơi vào khoảng $100.000. Hãy lựa chọn thời điểm sử dụng tiền thông minh để bạn chỉ mất chi phí khi chắc chắn có LP đóng góp tiền vào quỹ của bạn.
Làm sao để nói về những thành tựu mà tôi đã đạt được?
Khi đánh giá startup, bạn thường hỏi họ về những thành tựu mà họ đã đạt được như một thông tin quan trọng cho quá trình ra quyết định của mình? LP cũng tìm kiếm điều tương tự khi nghe bạn thuyết trình để huy động vốn vậy. Bạn cần thể hiện được rằng mình đang phát triển, có khả năng gọi được nhiều vốn hơn và có chiến lược thu hút được các deal tốt. Ở giai đoạn sớm, thông thường các LP sẽ nhìn vào phản ứng của các nhà đầu tư khác. Ở các giai đoạn trưởng thành hơn, LP sẽ quan tâm tới chiến lược thu hút deal và tính thanh khoản.
Bạn nên giữ liên lạc liên tục với các LP tiềm năng, các LP bày tỏ hứng thú, các LP đã chính thức cam kết góp vốn và thậm chí cả các LP đã từ chối bạn. Bạn có thể gửi cho họ newsletter hàng tháng để cập nhật tình hình huy động vốn cũng như chia sẻ xu hướng, quan điểm, kiến thức.
Đối với những LP đã đầu tư, bạn nên xây dựng sự tin tưởng với họ từ sớm bằng cách thường xuyên cập nhật và minh bạch thông tin. Mối quan hệ của bạn với LP sẽ quyết định sự thành công của quá trình gây quỹ trong hiện tại và tương lai của bạn.
Mình xin tạm kết bài lược dịch tại đây. Trong những bài viết tiếp theo, mình sẽ tập trung phân tích nhiều ví dụ cụ thể hơn. Các bạn cùng đón chờ nhé!